So sánh triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Việt Nam với các nước khác

2/3/2013

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

GIẢI THƯỞNG

1. Khó lòng nhất trí
Đó là chuyện rắc rối muôn thuở. Không chỉ ở ta mà ngay ở Pháp đã từng xảy chuyện hết sức đau đầu. Mỗi lần có giải là dư luận lại ồn ào: thắc mắc, tị nạnh, kiện cáo, chẳng ai chịu ai. Ngoài xã hội người ta rất khó chịu với giới nghệ sĩ về điểm này. Nhưng vì ở trong nghề, chúng tôi hiểu đó là chuyện đặc thù nghề nghiệp: tài năng phải đa hướng, chẳng ai giống ai, mỗi nghệ sĩ đặc sắc một kiểu, thế mới là nghệ thuật. Bởi vậy khi chấm chọn giải nhất, nhì, ba… thì ít ai chịu ai. Ai cũng coi tranh mình là nhất. Khách quan thì thấy thế là dở, nhưng chủ quan thì cực đoan là tốt. Phải cực đoan mới dám tự tin-sáng tạo-mạo hiểm vươn tới đỉnh cao. Người nào tự hài lòng đạt mức trung bình là đủ thì người đó nên bỏ nghề.
“Mầm đá”, tranh sơn dầu, 100 x 220 cm, của Vũ Cương. Huy chương Vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010.
 
“Hà Nội có cầu Long Biên”, sơn mài, 120 x 240 cm, của Nguyễn Trường Linh. Huy chương Vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010.
 
“Những lá thư thời chiến”, tượng đồng, 40 x 140 x 190 cm, của Nguyễn Quốc Thắng. Huy chương Vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010.

Hội đồng bỏ phiếu kín là cách chấm giải hợp lý và khoa học. Nhưng ngay cả như vậy cũng khó đạt tới công bằng hoàn hảo để thuyết phục 100% các tác giả. Hoàn hảo sao được khi bản chất nghệ thuật là không bao giờ được phép có 2 tác phẩm giống nhau; dù cùng đề tài nhưng mỗi tác giả phải thể hiện một khác, theo tài năng và cá tính sáng tạo của mình. Giải chỉ thuyết phục tương đối và mỗi hội đồng lại một định hướng khác, quan điểm khác, đánh giá khác…

2. Cách làm hay của Trung Quốc
Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của họ bày 2 vòng. Giải thưởng chỉ được bàn định ở vòng 2, tức vòng chung kết. Như vậy đã có một khoảng thời gian dài ở vòng ngoài để dân tình thoải mái khen chê. Mà quan trọng nhất là dư luận có thể phát hiện những vấn đề mà Hội đồng có thể không nhìn ra nếu bị chấm chọn gấp gáp trong chốc lát. Thời gian đủ dài qua vòng ngoài cho phép ồn ào và lắng đọng những vấn đề thiết yếu. Có người bảo: sợ đẽo cày giữa đường! Đúng là sợ, nếu trình độ kém. Nhưng nếu Hội đồng cao tay, trình độ già dặn, luôn cập nhật đầy đủ thông tin thì có thể bất chấp.
“Thời khắc sinh tử” (mô tả trận động đất ở Tứ Xuyên), gốm tô màu + sắp đặt của Meng Fuwei. Huy chương Vàng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 11, năm 2009.

Mặt khác, luật duyệt tranh của Trung Quốc có những điểm khắt khe nhưng hay. Tác giả nào khai sai chất liệu đều lập tức bị loại (cho rằng có ý gian lận hoặc thiếu hiểu biết tối thiểu). Tác giả phải viết giải trình tóm tắt nội dung và chịu trách nhiệm điều mình đã viết. Sau này không thể lật ngược, bảo rằng: Ấy tôi vẽ nhằm ý khác cơ!

3. Cách làm hay của Pháp
Từ 1881, nhà nước Pháp đã không đứng ra tổ chức các Salon nữa mà ủy quyền cho các hội mỹ thuật. Nhưng họ vẫn trao Giải thưởng Quốc gia về mỹ thuật trên cơ sở tuyển chọn tinh túy từ 4 salon lớn nhất, cả chính thống lẫn ly khai. Số lượng giải không nhiều, chỉ có 1 giải đặc biệt, sau đó là các Huy chương hạng Nhất, Nhì, Ba. Hệ thống giải quốc gia của họ cũng phong phú và đáng nể với Giải Khôi nguyên La Mã, Giải Casa Velazquez với cách làm không trao hiện kim mà cho học bổng (toàn phần) du học dài hạn. Trước đây còn có giải Đông Dương mà nhờ đó có cuộc du lịch của Victor Tardieu dẫn tới sự thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Tất nhiên phải ở tầm đế quốc văn hóa mới làm được như vậy, và thực tâm thì các họa sĩ, điêu khắc, đồ họa, kiến trúc sư… đều ngưỡng mộ các giải quốc gia của Pháp, đều mơ có ngày đoạt giải vì chất lượng của các giải đó cao và hiệu quả đến mức khó lòng đo đếm!
Đồ án đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1955 của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

4. Cách làm hay của Thái Lan 
Bạn Võ Xuân Huy trong một bài viết có cho biết: ở kỳ triển lãm mỹ thuật quốc gia thứ 56 của Thái, ngoài giải của Hội đồng Nghệ thuật (giải chính thức) gồm 1 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 12 huy chương Đồng, còn có 12 giải do Ngân hàng Krung Thái trao, 11 giải do Cơ quan Văn hóa và Nghệ thuật Đương đại trao. Như vậy Thái Lan đã thúc đẩy được tiến trình xã hội hóa nghệ thuật, tiết kiệm các nguồn lực và tạo cơ hội cho cả hai phía nghệ sĩ và các nhà tài trợ… Sách tổng kết 50 năm Triển lãm Nghệ thuật quốc gia Thái Lan 1949-1998 cũng cho biết luôn luôn có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia tài trợ và trao giải trong tất cả các kỳ triển lãm mỹ thuật quốc gia của họ.

“Origin and Loss No.6″, chì dầu trên toan, 250 x 450 cm, của Suporn Kaewda. Huy chương Vàng triển lãm Nghệ thuật quốc gia Thái Lan năm 2010 (trị giá 150.000 baht, tương đương 10 triệu VND)

5. Nghĩ về Việt Nam
Việt Nam cũng từng làm được như Thái Lan trong kỳ mỹ thuật toàn quốc 1946: bên cạnh giải của Chính phủ và Quốc hội còn có nhiều giải của các đoàn thể và tư nhân. Kỳ mỹ thuật toàn quốc 1995: bên cạnh giải chính thức của Hội đồng Nghệ thuật còn có 10 giải của Quỹ Văn hóa Thụy Điển. Kỳ mỹ thuật toàn quốc 2005: bên cạnh giải chính thức của Hội đồng Nghệ thuật cũng có thêm 13 giải của Quỹ Văn hóa Thụy Điển.

Lời của biển- tổng hợp - 175cm x 230cm của Phạm Ngọc Lâm, triển lãm Điêu khắc Toàn quốc Việt Nam 2003, giải của Quỹ Thuỵ Điển - Việt Nam phát triển văn hóa (SIDA). 
“Thăng Long”, chạm gỗ, 200 x 400 cm của Phạm Văn Định, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam 1995, giải của Quỹ Thuỵ Điển - Việt Nam phát triển văn hóa (SIDA).

“Bầu trời xanh”, chất liệu tổng hợp, 150 x 180 cm của Trần Văn Thảo, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam 2005, giải của Quỹ Thuỵ Điển -Việt Nam phát triển văn hóa (SIDA).

Tiếc thay tại các kỳ mỹ thuật toàn quốc trước 1995, trong kỳ mỹ thuật toàn quốc 2000 và nhất là kỳ mỹ thuật toàn quốc 2010 chỉ có giải chính thức mà thôi (ngoài giải của Bộ Văn hóa còn có giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam, là hai đơn vị chủ quản của triển lãm). Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ bỏ qua tiến trình xã hội hóa nghệ thuật và không biết tận dụng các nguồn lực.

6. Cách làm giống Hollywood của Trung Quốc: giải Lý luận và Thành tựu trọn đời 
Quả là nước Trung Quốc hiện đại đã làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên rất nhiều. Dù không ưa thì vẫn phải có phần kính nể khi giải thưởng mỹ thuật toàn quốc của họ coi như bao quát hết, kiểu như giải của Hollywood: có cả Thành tựu trọn đời và Lý luận. Đặt ra và trao giải Lý luận thật là sáng suốt, bởi những công trình nghiên cứu và phổ biến mỹ thuật ở tầm cao và uyên thâm của các học giả Trung Quốc lẽ nào lại phải đứng ngoài cuộc mỗi lần trao giải thưởng mỹ thuật quốc gia? Không giống như lý luận mỹ thuật Việt Nam, lý luận mỹ thuật Trung Quốc đã từng có Lục pháp luận lẫy lừng của Tạ Hách, ra đời từ thời điểm tương đương với thời La Mã cổ đại của phương Tây. Viện Hàn lâm Mỹ thuật Trung Quốc cũng đã ra đời trước phương Tây tới gần 5 thế kỷ. Từ đó đến nay sách lý luận mỹ thuật của cả nước họ chắc phải xếp cao như núi rồi!
Còn giải Thành tựu trọn đời thì có lẽ phần nào giống giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước ở ta, nhưng được trao trong bối cảnh của mỹ thuật toàn quốc thì được các đồng nghiệp biết đến nhiều hơn. Ngẫm lại cũng có cái hay của nó: chắc các bạn đều nhất trí rằng một tiếng khen chê của đồng nghiệp với tác phẩm của ta bao giờ cũng có sức nặng hơn nhiều so với lời tán dương bên ngoài.

KHÁN GIẢ VÀ DÂN TRÍ


1. Mua vé hay không?

Như đã biết, dân Pháp muốn đi xem các triển lãm lớn đều phải mua vé. Cũng không đắt so với mức sống ở Pháp và họ coi là tất yếu. Vấn đề là nhu cầu văn hóa của dân Pháp cao, mà mỹ thuật là một trong những hưởng thụ nghệ thuật mà họ hướng tới. Thật ngạc nhiên là Trung Quốc cũng bán vé vào xem các triển lãm mỹ thuật lớn, trong đó có triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Bạn Yên Thế còn cho biết: dân Trung Quốc cũng phải xếp hàng rồng rắn để vào xem triển lãm mỹ thuật lớn. Nhưng từ 2010 Trung Quốc quyết định không bán vé nữa mà cho tự do vào xem các bảo tàng. Như vậy triển lãm mỹ thuật toàn quốc gần nhất của họ năm 2009 vẫn bán vé, còn mỹ thuật toàn quốc 2014 có thể miễn phí. Tôi không rõ ở Thái có bán vé không. Còn ở ta thì chắc là không vì nghệ thuật cần phải phục vụ nhân dân, mà đời sống văn hóa ở ta chưa cao, miễn phí dân còn chưa chắc đã xem, nữa là…
Năm 1946, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ từng bình luận về thái độ hồ hởi của đông đảo quần chúng đi xem triển lãm mỹ thuật. Đó là thời buổi đất nước mới độc lập, triển lãm không chỉ dành cho ông Tây và các quan An Nam như trước nữa mà dành cho tất cả mọi người nên đi xem triển lãm chắc là mốt mới, đầy hấp dẫn. Vả lại, các triển lãm hồi ấy rất hiếm, lại có bày hình ảnh đẹp thì càng hiếm, người đi xem đông là phải.
Nay thì triển lãm nhiều quá, xem không xuể, dân số đông thêm nhiều nhưng khán giả của các triển lãm mỹ thuật thì lại thưa vắng. Có thể giải thích rằng dân trí ở ta chưa cao mà lại vừa mới chỉ thoát nghèo gần đây thôi (phải tập trung vào cơm-áo-gạo-tiền trước đã).
Rất may cho giới họa sĩ là Nhà nước đã đứng ra tổ chức triển lãm định kỳ cho họ. Vì mục đích quốc gia đã đành, mà họa sĩ cũng có cơ hội làm nghề. Đây là một sân chơi lớn. Mặt khác, kể từ khi đổi mới, mở cửa, các họa sĩ ta có thể sống được bằng tranh.


2. Những ai hiểu mỹ thuật? 

Đa số khán giả ta bây giờ chỉ có thể hiểu nghệ thuật hiện thực, cổ điển hoặc gần như vậy (chỉ vì trông nó giống thật). Ngoại trừ các đồng nghiệp, chỉ có rất ít trí thức ở các ngành nghề khác có thể hiểu các trường phái mỹ thuật. Nhà giàu chơi tranh ở ta bây giờ chủ yếu là tranh chép theo mẫu đã nổi tiếng thế giới. Hạ cấp hơn, có nhà chơi tranh Bờ Hồ hay tranh ghép đá quý rởm. Cũng có người ham thích song không có cơ hội tìm hiểu mỹ thuật. Giải thích, dạy dỗ đã đành, song dân cần có cơ hội tiếp xúc nữa. Trước đây 15-20 năm đã từng có sáng kiến từ Cục Mỹ thuật gửi giấy mời tập thể các trường Đại học và Cao đẳng đến xem triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Đó là một sáng kiến hay, ít nhất là tạo cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật trước đã.
Chúng tôi từng chứng kiến ở bên Pháp, học sinh phổ thông được dẫn đi xem nghệ thuật hiện đại tại triển lãm chuyên đề, có thuyết minh. Các em đã rất cố gắng để hiểu, dù đó là tác phẩm của trường phái Nghệ thuật Nghèo (Arte Povera). Chúng tôi cũng từng nói chuyện với một công chức về hưu ở miền quê xa lắc xứ Bretagne, ông này sôi nổi luận bàn về các họa sĩ Ấn tượng và tỏ ra không mấy hứng thú, dù có biết về Trừu tượng hay Lập thể… Thế đã là quá nhiều với một dân thường.

Arte Povera – trường phái Nghệ thuật Nghèo, tác phẩm mang tên “Cấu trúc ăn rau xà lách” của Anselmo, đá hoa cương, rau xà lách, dây đồng, và mạt cưa. Người viết đã chứng kiến một đoàn học sinh được hướng dẫn đi xem nghệ thuật sắp đặt, trong đó có ảnh phóng to tác phẩm này tại một triển lãm ở Pháp năm 1995. Thật ngạc nhiên là các em xem và lắng nghe diễn giải rất nghiêm túc.

Vậy khán giả thực thụ của mỹ thuật ở ta vẫn là các đồng nghiệp (tự xem nhau), Tây và Việt kiều – đó mới là những người hiểu và có nhu cầu xem tranh tượng. Như trên đã viết, ở Pháp, để có đông công chúng mỹ thuật, xã hội cần phải có những giai cấp giàu có, đông đảo, với trình độ am hiểu nghệ thuật cái đã. Báo chí ta từng trách các họa sĩ giờ đây nhiều khi không chịu phục vụ công chúng Việt, đấy là nói đi, còn các họa sĩ thì nói lại (chỉ dám lẩm bẩm) rằng: “Nhưng chúng tôi phải sống đã chứ!”.


BÁN TRANH

1. Hạnh phúc được sống bằng nghề nghiệp đã chọn
Chắc rằng tất cả mọi người đều muốn sống bằng nghề mà mình đã lựa chọn. Được như vậy thì đó là hạnh phúc. Các họa sĩ và nhà điêu khắc chắc chắn cũng muốn như thế, dù nghề vẽ ở nước ta vào thời bao cấp từng bị coi là viển vông. Từng có thời tất cả các họa sĩ đều phải làm công chức, muốn vẽ phải đợi ngày Chủ nhật (nên có kiểu gọi mỉa mai là loại họa sĩ ngày Chủ nhật). Nay thì khá hơn, có người không làm nhà nước mà vẫn sống khỏe bằng tranh do mình vẽ, thậm chí số ít có thể giàu nhờ tranh. Hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hội An có khá nhiều gallery, triển lãm và số họa sĩ bán được tranh không phải là ít, mặc dù đang thời khủng hoảng kinh tế thế giới.
Ước mơ lý tưởng của các họa sĩ là làm nghề để đạt thành tích và sự nghiệp mà cũng là để sống sung túc. Người cao đạo đến mấy thì cũng cần bán tranh vì đó là một phần của lẽ sống.

2. Việc mua bán tranh ở Triển lãm mỹ thuật toàn quốc
Thật tiếc là việc mua bán tranh ở triển lãm mỹ thuật toàn quốc không được thuận tiện. Chúng tôi từng chứng kiến ở mỹ thuật toàn quốc 2010, có khán giả muốn hỏi mua tác phẩm mà không biết làm sao: hỏi người trực thì tất nhiên là họ không biết nên bảo đi tìm ban tổ chức, tới nơi hóa ra là ban tổ chức của trung tâm triển lãm (nơi cho thuê phòng bày tranh) chứ không phải ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật để có đúng người am hiểu và có thẩm quyền về mỹ thuật. Chạy tìm một hồi đã là cuối ngày nên mọi sự lại phải chờ đến mai, mà mai thì họ đã phải ra sân bay về nước nên đành chịu.
Cũng có dư luận bảo rằng có cái khó nếu mua bán tranh ì xèo ở đó vì triển lãm mỹ thuật toàn quốc là nơi bày tranh trang nghiêm, phải chăng chỉ nên mua bán sau khi đã bế mạc (như cách làm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi mua tranh ở triển lãm này)? Tất nhiên ở triển lãm mỹ thuật toàn quốc cũng từng có vụ mua bán thuận lợi như năm 1980, thầy Tiểu Bạch bán được tranh sơn dầu vẽ đồng lúa chín vàng với giá 1000 VNĐ (là số tiền rất to vào thời điểm ấy), nhưng phải gặp lúc thuận lợi là Tây không vội ra sân bay, và lúc ấy gặp đúng người có thẩm quyền của Ban Tổ chức có mặt tại đó.

3. Việc mua bán tranh ở triển lãm nghệ thuật quốc gia Thái Lan 
Xin trích một đoạn trong bài viết nhan đề Nhìn lại 5 thập kỷ Triển lãm Nghệ thuật quốc gia của tiến sĩ Chittima Amornpichetkul, khi ông dẫn lại một bài báo mô tả triển lãm nghệ thuật quốc gia Thái Lan năm 1963: 

“Một người làm thống kê theo dõi ngoài cửa trong suốt 7 giờ, báo cáo rằng số lượng người tham dự ngày hôm đó khoảng 8000, trung bình 1142 khách vào mỗi giờ hay 19 khách vào mỗi phút. Trong số đó, những người hâm mộ nước ngoài (không kể người Trung Quốc) khoảng 200, đã đến từ rất sớm. Khi các cánh cửa phòng tranh mở ra, họ ùa vào như thể sẽ mua được vàng với giá rẻ. Trong vòng một ngày của triển lãm, 22 bức tranh đã được bán ra lên tới 26.850 baht. Một phụ nữ nước ngoài mỉm cười tự hào khi cô đã mua bức tranh đầu tiên được giải với mức giá đáng kinh ngạc, chỉ 600 baht”.

Xin để mọi người tự suy nghĩ, chúng tôi không dám bàn luận gì thêm.

4. Giải pháp kiểu Pháp
Mặc dù việc mua bán tranh ở một nước tư bản như Pháp chắc chắn là thuận tiện và không vấp phải những trở ngại ở dạng ấu trĩ, nhưng nhu cầu kinh doanh mỹ thuật ở Pháp đã rất phát đạt từ xưa. Chúng tôi từng có cảm giác lọt vào thiên la địa võng của khu galerie ngay bên cạnh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris gồm những 5- 6 phố chi chít các cửa hàng tranh-tượng. Cửa hàng nhiều đến mức họ phải lập ra Liên minh các galerie và phát bản đồ phân loại cửa hàng tranh cho du khách.
Pháp cũng là nơi có hãng đấu giá tác phẩm nghệ thuật Hotel Drouot có thâm niên hoạt động từ 1852.
Nhưng hấp dẫn nhất ở Pháp bây giờ là Hội chợ triển lãm nghệ thuật hàng năm tên là FIAC, thường vào tháng 10, chỉ có 4 ngày. Đây là triển lãm mua bán tranh tượng đúng nghĩa do các galerie tập trung trưng bày định kỳ. Khách hàng đến xem để mua tác phẩm, không có thi đấu và giải thưởng. Tuy nhiên, vì mỗi galerie chỉ có một gian hàng nên không thể bày hết được, họ chỉ bày vài tác phẩm thôi, còn lại là giới thiệu qua màn hình. Việc giao dịch để mua bán luôn thuận tiện và chuyên nghiệp. Có điều, như mọi kiểu triển lãm lớn khác, người xem phải mua vé. Tại FIAC lần thứ 37, từ 21 đến 24. 10. 2010 ở Paris, vé người lớn là 28 euro, sinh viên là 15 euro, trẻ em dưới 12 tuổi miễn phí, vé trọn gói 4 ngày là 50 euro.

Toàn cảnh triển lãm FIAC – Hội chợ quốc tế nghệ thuật đương đại tại Paris năm 2012.

MẤY LỜI CUỐI 

Chúng tôi không dám vội kết luận cho loạt bài nghiên cứu này bởi các cứ liệu chưa thật đầy đủ và suy luận của người viết cũng chưa thật chín. Điều mà chúng tôi hy vọng nhất là đã cố gắng tối đa để mang đến cho các đồng nghiệp và độc giả một cái nhìn toàn cảnh có đối chiếu sơ bộ với 3 kiểu triển lãm mỹ thuật toàn quốc của 3 nước có liên quan. Trên cơ sở ấy, chúng ta có thể cùng đàm luận để có thể rút ra những điều hữu ích cho mỹ thuật Việt Nam chăng?

Hà Nội 11/2012
------------
Nguồn: Soi

Cùng tác giả: 
Chất liệu và lòng tự trọng